Thiếu bến, xe buýt qua đêm dọc đường
Đến năm 2009, cơ quan chức năng TP tiến hành rà soát xác định chi tiết về quỹ đất, các địa điểm dành xây dựng hệ thống bến bãi vận tải mới thực sự “hốt hoảng” bởi toàn TP chỉ có vỏn vẹn 67,7ha được dành để làm bến bãi, đạt 5,87% so với nhu cầu là 1.141ha. Trong 67,7ha bến bãi trên nhiều nhất là các trung tâm tiếp chuyển hàng hóa với 27,7ha nhưng cũng chỉ mới đạt 9,2%. Kế đến là các bến bãi làm đầu mối trung chuyển hành khách có 23,7ha.
Đáng buồn là diện tích đất bến bãi dành cho các phương tiện VTHKCC chiếm tỷ lệ rất khiêm tốn. Bến kỹ thuật chuyên dụng cho xe buýt chỉ có 9,77ha, trong khi bãi đậu xe ôtô và bến taxi gộp lại cũng chưa đầy 6ha còn bến xe liên tỉnh 0,9ha. Ông Lê Trung Tính, Trưởng Phòng quản lý vận tải đường bộ thuộc Sở GTVT TP cho biết, thực trạng thiếu bến bãi dẫn đến tình trạng nhiều xe buýt phải sử dụng lòng lề đường để lưu đậu phương tiện, chờ tài xuất bến. Thống kê có khoảng 78 vị trí được bố trí rải rác trên khắp TP để làm bến bãi lưu trú cho xe buýt.
Đường Nguyễn Huệ ngay tại trung tâm Q.1 rộng thênh thang là vậy, nhưng hai làn đường hai bên được dành để làm nơi lưu trú của xe buýt. Tại nhiều tuyến đường quanh khu vực sân bay Tân Sơn Nhất như đường Hồng Bàng, Trường Sơn... hàng loạt taxi thường tụ tập tại đây trong khi chờ khách. Tình trạng trên không chỉ gây mất TTATGT mà còn mất an ninh trật tự, vệ sinh môi trường.
“Với các xe buýt phải lưu đậu qua đêm ngoài đường hoặc tá túc tại nhà do chủ phương tiện quản lý thì không thực hiện được chế độ bão dưỡng, bảo trì, bàn giao ca... ảnh hưởng đến chất lượng hoạt động của phương tiện vào ngay hôm sau”, ông Tính nhấn mạnh.
Mục tiêu là năm 2015
Ông Tạ Long Hỷ, Phó Chủ tịch Hiệp hội taxi TP.HCM cho biết, tình trạng thiếu bến bãi đậu xe đã khiến cho các taxi phải chạy lòng vòng trên đường, vừa gây kẹt xe và ô nhiễm môi trường. Một số vị trí các tài xế tập trung thành bến bãi tự phát gây mất cảnh quan và mất vệ sinh. Trong khi đó, ông Lương Công Thành, Giám đốc Công ty vận tải Thành Công bức xúc, một DN dù có lớn đến mấy cũng không thể có đủ kinh phí để mua đất làm bến bãi cho phương tiện của mình. “Nếu có thể đi nữa thì cũng chỉ cho các phương tiện ở nhà, còn các phương tiện đang lưu hành thì cũng buộc phải ngủ lại dọc đường rất nguy hiểm”, ông Thành nói.
Từ tháng 7/2010, Sở GTVT đã khẩn trương rà soát, xác định quỹ đất dành cho bến bãi phục vụ cho GTVT ở các quận, huyện. Mặc dù chỉ mới có 15/24 quận, huyện của TP xác định được vị trí đất dành cho bến bãi nhưng đã có được 643,34ha trong tổng số 1.141ha theo quy hoạch quỹ đất phục vụ giao thông tĩnh, đạt khoảng 56,38% và tăng gấp 9,4 lần so với diện tích bến bãi hiện hữu đã xác định trước đây.
Tuy nhiên, điểm đáng chú ý là trong toàn bộ 67,7ha đang là vị trí bến bãi hiện nay đều không thuộc quyền quản lý của Sở GTVT mà chủ yếu thuộc các quận, huyện, các trường và doanh nghiệp. Sở chỉ quản lý được 7,48ha trong số đó và đa phần đều là các bến bãi xe buýt nhỏ lẻ. Chính vì vậy, nhiều người cho rằng, có đất chưa chắc đã có bến. Việc xác định được đất dành cho bến bãi là một chuyện, còn chuyện xây dựng bến bãi là vấn đề khác.
Ông Lê Trung Tính cho biết, Sở GTVT đã lên kế hoạch về “Các giải pháp quản lý và đầu tư xây dựng các bến bãi vận tải đường bộ” để trình UBND TP xem xét. Trong đó, đề xuất các giải pháp đầu tư quản lý cho từng danh mục bến bãi đã xác định và thời gian thực hiện các vị trí sẽ cố gắng hoàn tất trước năm 2015. Như vậy, ở đây có thể thấy vấn đề của TP.HCM hiện nay không phải là thiếu đất để xây dựng bến bãi mà câu hỏi là khi nào và như thế nào để các bến bãi ấy được triển khai và triển khai hiệu quả trong thực tế như mục tiêu đề ra.