Tổng giám đốc hãng Hàng không quốc gia (Vietnam Airlines) Phạm Ngọc Minh cho biết mới 2 tháng đầu năm nhưng hãng đã phải trích nộp tới 1.400 tỷ đồng để bảo toàn vốn (đối với các khoản vay bằng ngoại tệ) do nhà nước điều chỉnh tỷ giá hơn 9%.
Tại cuộc họp triển khai nhiệm vụ năm 2011 của Bộ GTVT, Tổng giám đốc Phạm Ngọc Minh khẳng định, doanh thu của hãng tăng cao tới 60% nhưng lợi nhuận trước thuế của hãng chỉ còn hơn 350 tỷ đồng trong năm 2010. Với những bước điều chỉnh tỷ giá như vừa qua, lợi nhuận trước thuế của VNA trong năm nay sẽ bị ảnh hưởng nghiêm trọng.
Khó khăn quan trọng nhất với các hãng hàng không nội địa hiện nay là chính sách giá trần nội địa chưa phù hợp với quá trình điều chỉnh tỷ giá. Theo ông Minh, 70% chi phí đầu vào của ngành Hàng không phải thanh toán bằng ngoại tệ trong khi doanh thu nội địa bị tính bằng tiền đồng theo giá trần. Do đó, VNA luôn phải bù lỗ cho các đường bay nội địa.
Tổng giám đốc hãng hàng không lớn nhất khai thác thị trường trong nước cho rằng, nếu kinh doanh không có lãi thì không khuyến khích hãng bay mới mà các hãng đang khai thác cũng rất chật vật mới không cắt giảm chuyến bay. Ông Minh đánh giá thị trường hàng không nội địa Việt Nam có giá trị khoảng 1,2 tỷ USD. Đây là thị trường rất hấp dẫn các nhà đầu tư nếu nhà nước có chính sách giãn trần để đảm bảo kinh doanh có lãi. Riêng năm 2010, doanh thu của VNA trên thị trường nội địa là 800 triệu USD nhưng hoàn toàn không có lãi. Thậm chí hãng phải bù lỗ tới 30 triệu USD để duy trì mạng đường bay. Ông Minh kiến nghị Chính phủ, Bộ GTVT ban hành mức giá trần nội địa mới phù hợp với mức điều chỉnh tỷ giá hơn 9% vừa qua, tiến tới bỏ giá trần trong 2, 3 năm tới và cho phép phụ thu nhiên liệu trên các đường bay trong nước.
Cùng quan điểm này, ông Tạ Hữu Thanh, Phó Tổng giám đốc hãng hàng không giá rẻ Jetstar Pacific băn khoăn: Jetstar vừa cân đối được thu chi (không kể các khoản nợ) trong vài tháng lại gặp phải đợt điều chỉnh tỷ giá này thì tình hình trong năm 2011 càng thêm khó khăn. Ông Thanh cho biết, Vietnam Airlines còn có thể mua nhiên liệu tại các điểm đến quốc tế còn Jetstar Pacific chỉ mua trong nước do không có đường bay quốc tế nên phải chịu thêm chi phí vận chuyển, thuế...
Theo ông Thanh, nếu Nhà nước bỏ giá trần, các hãng sẽ có lực để điều chỉnh linh hoạt kế hoạch kinh doanh, dần dần tiến tới có lãi. Một thị trường mở ra cho nhiều hãng kinh doanh chắc chắn sẽ ngày càng phát triển. Có nhiều sự cạnh tranh thì hành khách sẽ được phục vụ tốt hơn. Ông Thanh phân tích, bỏ giá trần không đồng nghĩa với tăng giá vé. Vé mua sát giờ bay, vé trong giờ đẹp sẽ cao hơn nhưng cũng sẽ có rất nhiều vé giá rẻ được bán ra, kích cầu đi lại.
Câu chuyện bỏ giá trần vé máy bay đã nhiều lần được các hãng đề nghị, tuy nhiên việc kiểm soát giá trong điều kiện thị trường chưa thực sự cạnh tranh với 1 hãng hàng không đang có vai trò thống lĩnh trên thị trường vẫn là vấn đề cơ quan quản lý phải cân nhắc. Để góp phần kiềm chế lạm phát, giá trần vé máy bay luôn là một trong các loại giá thiết yếu được Chính phủ hạn chế điều chỉnh trong thời gian gần đây. Tháng 3 năm ngoái, giá vé đã được điều chỉnh chủ yếu dựa trên phương án giá năm 2008 chỉ tính thêm các biến động tỉ giá giữa đồng Việt Nam và các ngoại tệ mạnh, sự tăng giảm thất thường của giá dầu.
Khung giá trần đang áp dụng hiện nay quy định các chuyến bay có cự ly dưới 300 km có giá trần là 682.000 đồng, từ 300 đến dưới 500 km là 864.000 đồng, 500 đến dưới 850 km là 1,182 triệu đồng và từ 850 km trở lên là 1,819 triệu đồng (chưa kể 10% thuế VAT và phí sân bay).